Cải tiến mái che mưa có nắp đậy chén mủ cao su

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để khắc phục những hạn chế của việc sử dụng mái che mưa trong khai thác mủ cao su khi gặp trời mưa to, kỹ sư Nguyễn Trung Kiên, hiện đang công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, đã có sáng kiến “Cải tiến mái che mưa có nắp đậy chén mủ cao su” – Sáng kiến đoạt giải Ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ V (2010 – 2011).

 

 

 

Thời gian gần đây, người trồng cao su đã áp dụng các biện pháp chắn mưa cho miệng cạo như làm đai, làm mái chắn nước mưa. Phổ biến nhất là dùng tấm nylon làm mái che miệng cạo. Những giải pháp trên chỉ có thể áp dụng khai thác mủ khi có mưa nhẹ, còn mưa lớn không thể khai thác được vì nước mưa sẽ rơi vào chén làm trôi mủ. Nếu cạo xong giữa chừng gặp phải trận mưa to, công nhân phải trút vội nên không tận thu hết được sản phẩm, làm giảm năng suất.

Từ thực tế trên, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Trung Kiên đã mày mò tìm ra giải pháp ngăn chặn nước mưa chảy vào chén hứng mủ. Từ mái che mưa có sẵn đã được nông trường hướng dẫn cho công nhân sử dụng cạo mủ hàng ngày, anh Kiên gắn thêm nắp đậy chén mủ. Kết quả là dù trời mưa to vẫn khai thác được, không ảnh hưởng đến mủ cao su. Từ đó, anh Kiên đã đề xuất với Tổng Giám đốc Công ty cho làm thử nghiệm tại Nông trường Thanh Bình.

Giải pháp kỹ thuật của anh Nguyễn Trung Kiên bao gồm: Mái che miệng cạo có nắp đậy chén gồm 2 bộ phận riêng biệt. Mái che mưa làm bằng tấm nhựa PE trong có độ dày 0,3mm chất lượng tốt. Phần trên được cắt từng miếng hình cung dài vừa đủ che miệng cạo, bề rộng ở giữa 12cm, phía hai đầu 6cm. Nắp đậy chén hứng mủ cũng bằng nhựa PE trong, dày 0,3 được cắt từng miếng lớn hình cung dài 35cm, rộng 26cm. Miếng nhựa được định vị hai đầu bằng hai chiếc ghim dù, một đầu đính vào vỏ cây, một đầu có thể gỡ ra và ghim vào dễ dàng.

Các thao tác gắn mái che mưa vẫn tiến hành như trước đây. Riêng gắn tấm đậy chén mủ, để tạo độ cứng, mái che được gắp đôi rồi vuốt mạnh tạo thành nếp gấp, giúp mái che khỏi bị võng khi có mưa to gió lớn. Gấp hai mép của mái che mỗi cạnh 1cm theo chiều ngược lại để tạo thành gờ ngăn không cho nước mưa chảy vào mép chén mủ. Nắp đậy chén mủ khi gắn phải che được cả máng dẫn mủ và chén hứng mủ. Khi cạo công nhân chỉ việc tháo đinh ở đầu bên trái của nắp đậy để thao tác, xong ghim lại như cũ.

Ưu điểm của giải pháp là chống được mưa tạt làm ướt miệng cạo, che được chén mủ không bị rửa trôi, tận dụng tối đa những ngày cạo trong mùa mưa, khắc phục được những nhược điểm khi chỉ sử dụng mái che miệng cạo.

Giải pháp tuy đơn giản, nhưng đã mang lại một con số khá ấn tượng. Anh Kiên cho chúng tôi biết: Qua một năm làm thử nghiệm, kết quả vượt cả mong đợi. Mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn nếu chỉ lắp mái, nhưng không đáng kể, bù lại trong 6 tháng, năng suất tăng hơn 150 kg/ha và chất lượng mủ tốt; lợi nhuận trừ chi phí so sánh thì khi có gắn nắp đậy chén mủ cao su cao hơn 3,7 triệu đồng/ha. Chỉ trong năm 2008, năm làm thử nghiệm anh đã giúp công ty thu lợi nhuận trên 29,7 tỷ so với phương pháp cũ.

Đây là phương pháp mới, chi phí ít với 2.600 đồng/bộ, dễ áp dụng và có khả năng hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát mủ do mưa gây nên. Từ đó đến nay, Ban giám đốc Công ty đã áp dụng giải pháp của anh Kiên trên toàn bộ vườn cây cao su đang khai thác. Không những thế, giải pháp của anh Kiên đã được các công ty khác trong ngành ở những vùng mưa nhiều như Tây Nguyên áp dụng đem lại hiệu quả.

Hương Trà, 
Tạp chí Cao su Việt Nam, số 357 ngày 15/02/2012

 

Thành tích khác