Khắc phục thực trạng cao su rớt giá

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp trồng cao su trong nước. Công ty 72 – Binh đoàn 15 là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất cao su xuất khẩu tại Tây Nguyên cũng hiện tồn đọng hơn 4.300 tấn mủ. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty, trước thực trạng này thì công ty 72 đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để vẫn đảm bảo được đời sống cho cán bộ, công nhân tại đơn vị. 

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp trồng cao su trong nước. Công ty 72 – Binh đoàn 15 là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất cao su xuất khẩu tại Tây Nguyên cũng hiện tồn đọng hơn 4.300 tấn mủ. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty, trước thực trạng này thì công ty 72 đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để vẫn đảm bảo được đời sống cho cán bộ, công nhân tại đơn vị. 

 

 

Vào thời điểm này, 3 nhà kho lớn của công ty 72 có diện tích hàng ngàn m2 và 12 phòng họp của các đội sản xuất đều được tận dụng để chứa mủ cao su thành phẩm tồn đọng của đơn vị. Nhiều tháng nay, tiến độ xuất xưởng mủ cao su thành phẩm của công ty rất chậm. Chỉ đạt 20% so với thời điểm này những năm trước. Trước tình hình này, để duy trì hoạt động sản xuất, công ty 72 đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tích cực. 

Qua trao đổi Đại tá Phạm Văn Giang-Giám đốc Công ty 72, Binh đoàn 15 cho biết:“ Trong tình hình khó khăn như thế này, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thị trường đặc biệt thị trường khu vực 2 để tiêu thụ các loại sản phẩm cao su và trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh chúng tôi tiết giảm các chi phí nâng cao năng suất lao động đặc biệt năm 2014 chúng tôi nâng năng suất mủ cao su lên 1,7 tấn / ha  đấy cũng là cơ sở giảm giá thành, hạ giá bán để tiêu thụ sản phẩm mủ cao su là sản phẩm chủ lực của công ty chúng tôi” 

Một mùa khai thác mủ cao su mới đã bắt đầu, tại các đội sản xuất- là nơi gắn bó trực tiếp với hoạt động của công nhân, vẫn luôn  được duy trì  đảm bảo  chế độ làm việc thường xuyên, nghiêm túc. Để làm được điều đó, trong thời gian này, mỗi người đội trưởng đã phải nỗ lực rất nhiều, thường xuyên động viên anh em công nhân cùng chia sẻ với những khó khăn của công ty, hết mình trong công việc, đảm bảo tiến độ sản xuất kịp thời. 

Tâm sự với chúng tôi Đại úy Lê Minh Vương-Đội trưởng Đội sản xuất 7, Công ty 72, Binh đoàn 15 nói: “ Chúng tôi cũng xác định rằng, chúng tôi không còn cách nào khác là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động, bước vào một chu kì sản xuất như năm nay cũng như năm khác chúng ta cứ an tâm thoải mái thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi cũng rất quan tâm về công tác khai thác, công tác quy trình kĩ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một hình thức nâng cao thu nhập cho người lao động.” 

Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân trồng cao su trên địa bàn Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng công nhân bỏ việc do không đảm bảo mức lương  thì công ty 72 vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn xin việc của đồng bào địa phương. Cho dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng nhiều giải pháp, công ty vẫn quyết tâm đảm bảo được mức lương cho công nhân như năm 2013 với hơn 5 triệu đồng/ tháng. Đó là nguồn động viên thiết thực để công nhân yên tâm gắn bó, chia sẻ khó khăn với đơn vị. 

Chị Cao Thị Hợp-Công nhân Đội sản xuất 3, Công ty 72, Binh đoàn 15 chia sẻ:“ Chúng tôi không thể bỏ cây cao su được, không thể để thất thoát cái gì ra ngoài, chúng tôi phải gắn bó đến cuối cùng, không có cái gì ngại ngùng. Hiện nay công ty trả lương cho chúng tôi vẫn đầy đủ, đời sống vẫn đảm bảo”. 

Trước thực trạng chung thị trường cao su có nhiều biến động, với cách làm riêng của những người lính 72, hoạt động sản xuất của công ty vẫn duy trì ổn định, lợi ích của người công nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Được biết, trong năm nay công ty tiếp tục tăng diện tích trồng mới lên hơn 320ha từ đó sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương.

Đoàn Bình - Hải Nhuận 
(Quốc phòng VN)