Thời điểm “vàng” để tái cơ cấu ngành cao su

Hiện nay, giá cao su XK chỉ còn khoảng 1.871 USD/tấn (40 triệu đồng/tấn), giảm 59% so với đỉnh điểm năm 2011. Các doanh nghiệp cao su cho biết đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là thời điểm “vàng” để thực hiện tái cơ cấu ngành cao su một cách toàn diện.

Thiếu cao su sản xuất lốp xe

Bất chấp cao su là mặt hàng đem lại kim ngạch XK lớn trong số các sản phẩm  của Việt Nam, ông Hà Phước Lộc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết hàng năm DN phải NK đến 30% nguyên liệu cao su đầu vào chủng loại SVR 10 từ Malaysia phục vụ cho sản xuất lốp xe theo công nghệ bố thép. Điều này đang khiến cho DRC gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí tăng lên gần 20%, cũng như không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Theo lý giải của ông Lộc, đối với loại  có độ đàn hồi, kháng mòn cao… dùng để sản xuất loại lốp xe cao su đặc chủng thì nguồn cung trong nước đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật hiện không nhiều, cũng như rất khó tìm được nguồn cung ổn định trong nước. Nghịch lý này không riêng gì DRC gặp phải mà rất nhiều DN chế biến sản phẩm cao su trong nước cũng chung hoàn cảnh.

Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết thị trường trong nước chỉ tiêu thu khoảng 154.000 tấn cao su/năm, chiếm khoảng 16 – 20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, 80% sản lượng còn lại phải xuất thô. Năm 2013 nước ta vẫn phải NK khoảng 313.000 tấn cao su nguyên liệu, bao gồm cả cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên.

Nguyên nhân theo VRA là do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để XK. Các DN sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, SVR 10, RSS 3 nhưng những mặt hàng này có tỉ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40 – 50% sản lượng là chủng loại SVL 3L thì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao.

Theo Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sản xuất lốp xe như nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, nhân công rẻ và thuế các mặt hàng lốp là 0% so với mức 8% ở Trung Quốc. Các công ty lốp xe hàng đầu thế giới như Bridgestone, Yokohama, Kumho… đã nhận ra thuận lợi này và đầu tư mở nhà máy sản xuất săm lốp tại Việt Nam để XK đi các nước. Riêng 3 công ty lốp xe thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) là Cao su Miền Nam, Cao su Sao Vàng và Cao su Đà Nẵng trong những năm gần đây đã có kết quả XK khởi sắc, sản phẩm đã được XK sang nhiều nước thuộc các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ.

Tăng chế biến sâu

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến 2020, mục tiêu đặt ra đối với nhóm sản phẩm cao su là đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng công suất các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy khác; sản phẩm băng tải 700.000 m2/năm và dây cua-roa bố thép, sợi thép 1 triệu m/năm, các sản phẩm găng tay, ống dẫn… với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/năm.

Ông Trần Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn  VN (VRG) cho biết, chính VRG đã nhận ra từ rất sớm những bất cập về việc sản xuất các chủng loại mà thị trường trong nước không cần và ngược lại. Nhưng khi giá mủ cao, tiêu thụ tốt và chịu áp lực kinh doanh nên chưa nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu. Hiện tại VRG đã chỉ đạo các DN trực thuộc nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm bắt đầu từ năm 2014.

Về chế biến sản phẩm cao su, ông Thuận nhận định hiện có khoảng 5 – 6 thương hiệu lốp xe nổi tiếng đang chiếm gần 90% thị phần toàn cầu, hơn 10% còn lại chia đều cho hàng nghìn thương hiệu nhỏ khác. Nếu Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất lốp xe thì chắc chắn sẽ khó khăn vì vốn đầu tư cao, thiếu công nghệ, thương hiệu và thị trường không có.

Do đó, chiến lược của VRG sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng và cao su màu như găng tay, băng tải, dây courroise, chỉ thun, nệm mút… đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm cao su kỹ thuật, đệm giảm chấn, bóng thể thao. Cùng với đó, hàng năm VRG thanh lý khoảng 10.000 – 12.000 ha cao su, sản lượng gỗ từ 1 – 1,2 triệu m3 phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ.